Sinh kế

Mô hình nuôi thỏ nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống gia đình
Đăng ngày 4/3/2023 9:07:05 AM

Sau nhiều lần gặp điệp khúc "được mùa mất giá" bởi trồng cây màu và nuôi cá, ông Thạch Dân, tên thường gọi ông Sáu, khóm 6, phường 9, thành phố Trà Vinh quyết định nuôi thỏ sinh sản và thỏ thịt. Đây là mô hình nuôi thỏ thương phẩm đầu tiên cho thu nhập khá tại địa phương, góp phần ổn định cuộc sống gia đình. Mô hình chăn nuôi này khá hiệu quả với khu chuồng trại kiên cố, mỗi dãy ông ngăn thành từng lồng, chia lồng thành từng ngăn để nuôi thỏ. Lồng nuôi thỏ được đặt trên các trụ cách mặt đất khoảng 70cm đến 01m. Mỗi chuồng nuôi đều có trang bị máng đựng thức ăn và dụng cụ uống nước sạch sẽ. Hàng ngày, gia đình ông thường vệ sinh chuồng trại, tạo độ thông thoáng, sạch sẽ giúp thỏ sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Sáu cho biết: Sau khi tìm hiểu các mô hình chăn nuôi, ông nhận thấy nuôi thỏ sinh sản và thỏ thịt cần ít vốn. Bên cạnh đó, thỏ có đặc tính luôn sinh sản, ít bị nhiễm bệnh, ăn ít và không kén chọn thức ăn, có thể tận dụng các loại thức ăn sẵn có tại gia đình như: Rau lang, rau muống, thậm chí là nhiều loại cỏ dại mọc ở trong vườn, tinh bột chủ yếu là cám gạo, lại có giá trị kinh tế cao, là công việc phù hợp với những người lớn tuổi, có sức khỏe kém, không có điều kiện vận động. Do đó, năm 2019, ông Sáu quyết định dùng số tiền tiết kiệm của gia đình xây dựng khu chuồng trại nuôi thỏ trên diện tích đất xung quanh nhà. Thời gian đầu, ông Sáu cũng gặp rất nhiều khó khăn do chưa nắm vững được kỹ thuật nuôi và cách chăm sóc phù hợp nên không ít lần thỏ phát triển kém, khả năng sinh sản không cao. Không nản chí, ông tiếp tục đi tham quan ở các huyện lân cận. Đồng thời, ông tham khảo thêm kinh nghiệm trên sách báo, trên mạng để xây dựng chuồng trại theo đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh. Từ đó, đàn thỏ của gia đình ông bắt đầu sinh trưởng ổn định và sinh sản tốt. Theo ông Sáu, kỹ thuật nuôi thỏ đòi hỏi nhiều khâu tỉ mỉ. Ngoài thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thỏ nuôi còn phải được tiêm phòng để hạn chế bệnh vặt. Tuy nhiên, khâu quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của mô hình là phải biết chăm sóc "vỗ béo" cho thỏ giống; biết phối giống cho thỏ cái và kỹ thuật nuôi con. Thông thường thỏ cái nuôi đến tháng thứ 06 sẽ bắt đầu được mang đi phối giống. Con cái được cho phối giống 02 lần, thời gian phối thích hợp nhất là vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Từ lúc thỏ cái phối giống đến lúc đẻ khoảng 32 ngày, 01 năm thỏ có thể sinh sản từ 06 - 08 lứa, mỗi lứa từ 06 - 10 con. Thỏ giống đẻ chu kỳ từ 02 - 03 năm, sẽ thay con giống mới. Sau thời kỳ sinh sản, người nuôi phải chăm sóc cho thỏ ăn nhiều hơn để chúng lấy sữa nuôi con. Sau khi được nuôi khoảng 15 - 20 ngày, thỏ con được tách ra lồng nuôi riêng. Thời gian nuôi thỏ con từ lúc đẻ đến khi được xuất chuồng mất khoảng 03 tháng sẽ đạt trọng lượng 2,2 - 2,4 kg/con... Đến nay, qua hơn 05 năm chăn nuôi, đàn thỏ của gia đình ông Sáu đã phát triển hàng trăm con. Với giá bán như hiện nay, 80.000 đồng/kg thỏ thịt và 120.000 đồng/kg thỏ giống, thu nhập từ mô hình chăn nuôi thỏ đã giúp gia đình ông Sáu có cuộc sống khá ổn định. Thời gian tới, gia đình ông Sáu sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp chuồng trại nhằm đảm bảo nguồn cung tốt hơn cho thị trường, đồng thời sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân mình cho những ai muốn nuôi thỏ và đam mê với nghề thỏ. Đến nay, gia đình ông Sáu đã có một mô hình kinh tế với quy mô hợp lý. Chuồng trại chăn nuôi và cơ sở sản xuất của gia đình ông đã được cải tạo ngăn nắp và hợp vệ sinh. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, ông Sáu còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể của địa phương, được bà con nhân dân trong phường tin yêu và quý trọng. Ông Thạch Đara , Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội cho biết: Thực hiện chuyên đề "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", thời gian qua, trên địa bàn phường đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất giỏi với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Điển hình là mô hình nuôi thỏ của gia đình ông Trương Ngọc Rở. Với mô hình này đã giúp gia đình ông tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, xã sẽ có kế hoạch cụ thể để tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi thỏ, tạo điều kiện để nông dân của xã phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.


Tác giả: Thái Ngọc Nguyên (ngocnguyen)
Ngành nghề: Trồng trọt
Loại sinh kế: Trồng trọt
Số lượng: 80
Diện tích: 40000 m2
Ngày bắt đầu: 3/1/2019

Video minh họa: