Từ giữa tháng 10/2016 đến nay, khu vực miền Trung và Tây nguyên đã có 04 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, trong đó đặc biệt là 02 đợt mưa lũ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11/2016. Hai đợt mưa lũ đã làm 65 người chết và mất tích, 191.084 nhà bị ngập nước, 22.151 ha lúa bị ngập, hư hại,... Tổng thiệt hại về vật chất ước tính trên 7.198 tỷ đồng. Chính phủ, các Bộ ngành đã tập trung hỗ trợ địa phương; tổng hợp nhu cầu hỗ trợ ban đầu, họp liên ngành và kịp thời trình Thủ tướng chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh. Các địa phương bị thiệt hại khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả. Nhiều đoàn công tác của các Bộ, ngành đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, việc xả lũ hồ chứa, các hoạt động ủng hộ bằng vật chất và tinh thần đối với bà con vùng lũ lụt miền Trung.
Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, chủ động phòng tránh cũng như sự tham gia của người dân đã hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả với mưa lũ vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại và thách thức như: Thiệt hại về người vẫn còn lớn, nguyên chính vẫn do một số bộ phận người dân, chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công điện của Chính phủ và các cấp, nhất là khi lũ lên nhanh; Công nghệ dự báo bao gồm hệ thống quan trắc, rada, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác dự báo mưa lũ ngày càng đòi hỏi phải chính xác và sớm hơn. Nhiều hồ chứa thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu hồ, thiết bị thông tin cảnh báo, xây dựng và cập nhật bản độ ngập lụt, phương án đảm bảo an toàn hạ du, việc phối hợp với địa phương và thông tin xả lũ còn hạn chế. Biến đổi khí hậu làm cho tình hình thiên tai ngày càng cực đoạn, bất thường. Ngoài ra, do đặc điểm khu vực miền Trung và Tây Nguyên có địa hình chia cắt mạnh, sông ngắn, dốc, những năm gần đây chất lượng rừng đầu nguồn bị suy giảm dẫn đến phương án phòng chống mưa lũ tại các địa phương và người dân gặp nhiều khó khăn và đặt ra những thách thức mới, khó lường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh cần chú ý thực hiện tốt công tác phòng chống lũ theo phương châm 4 tại chỗ, công tác cứu hộ cứu nạn nhất là ở các vùng biển, chú trọng các chương trình phục hồi sản xuất sau mưa lũ, tăng cường công tác dự báo mưa lũ. Các địa phương cần chuẩn bị tốt cho công tác tổng kết công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2016 và xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương công tác dự báo trong thời gian qua đã có tác dụng hỗ trợ cho công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, sự chủ động của các cấp chính quyền và người dân trong việc ứng phó với thiên tai, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức cá nhân cho các địa phương gánh chịu hậu quả của thiên tai. Vai trò của địa phương và người dân mang tính chất quyết định trong việc giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, một số địa phương còn bị động trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả với mưa lũ; việc xả lũ còn nhiều bất cập, quy trình vận hành chưa tốt gây nên nhiều thiệt hại. Công tác quy hoạch phát triển còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình tiêu thoát nước dẫn đến ngập lụt; trang thiết bị cứu hộ cứu nạn chưa được đầu tư thỏa đáng. Công tác khắc phục hậu quả thiên tại còn chậm, quy trình thủ tục còn rườm rà. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả của mưa lũ, chủ động kiểm soát, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân.
Trước tình hình thiên tai đặc biệt là bão, mưa lũ đang có những diễn biến phức tạp, cực đoan và bất thường đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai và cộng đồng; đánh giá thực trạng rừng đầu nguồn, phòng hộ; có kế hoạch cụ thể cho việc trồng mới, khoanh nuôi, phát triển và bảo vệ rừng; Rà soát lại toàn bộ quy hoạch thoát lũ của các địa phương, Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa, lũ, các địa phương chủ động xây dựng các trạm đo mưa cộng đồng.