Chăm sóc cây trồng sau hạn mặn
Đăng ngày
5/27/2021 9:04:25 PM
Mùa khô 2020-2021, các loại cây trồng tỉnh Trà Vinh nói chung và địa bàn phường 9 nói riêng đã phải trải qua đợt hạn mặn khá gay gắt, xâm nhập mặn sớm và độ mặn cao bao phủ toàn tỉnh. Việc thiếu nước tưới đã gây thiệt hại đến vùng trồng lúa, sen, dừa khu vực khóm 3 phường 9.
Đất bị nhiễm mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây trồng, gây xáo trộn và mất cân đối sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây trồng. Mặn gây phá hủy cấu trúc đất. Đất bị nén chặt, sự phát triển rễ bị giảm, giảm tính thấm nước và thoát nước, thiếu sự thoáng khí cho vùng rễ.
Do đó, cần có giải pháp phục hồi cây trồng sau hạn mặn.
Đối với cây ăn trái (chủ yếu là dừa): Cắt tỉa những cành khô héo, cành chết do ảnh hưởng của mặn, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh. Cần mạnh dạn tỉa bỏ bớt hoặc toàn bộ số quả trên cây tùy theo mức độ lá bị rụng ít hay nhiều do ảnh hưởng của mặn.
Đối với lúa, sen: Sử dụng nguồn nước ngọt để tưới nhằm rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất, giúp bộ rễ cây sớm phục hồi. Cần sử dụng các chế phẩm sinh học để tưới vào đất kích thích cây ra rễ non. Đồng thời, sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ - sinh học phun lên tán cây để hỗ trợ kịp thời nguồn dinh dưỡng cho bộ lá non phát triển. Kế đến, bón phân hữu cơ hoai mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất và cây trồng. Khi bộ rễ mới cơ bản được hình thành thì sử dụng phân lân, NPK và bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng sẽ giúp cây sớm hồi phục hơn. Phun/tưới các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nhất là chế phẩm có chứa các acid amin, như: Proline, Alanine, Leucine để tăng tính chống chịu, cải thiện chất lượng của cây.
Chúc bà con đạt được kết quả tốt, và tránh được thiệt hại kéo dài của đợt hạn mặn trước.