rong những ngày cận Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, dọc theo các tuyến lộ ở Phường 2 (TX. Vĩnh Châu) bất cứ ai cũng sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều hộ dân đang vào mùa làm cải xá pấu. Giống như năm trước, vụ mùa năm nay, ông Triệu Hạnh ở khóm Vĩnh Bình lại tiếp tục để dành củ cải tươi muối thành xá pấu. Ông Hạnh tiết lộ: “Khi tới mùa củ cải trắng, tôi và nhiều hộ khác muốn có lãi cao sẽ tiến hành làm xá pấu. Từ lúc bắt đầu muối đến khi phơi khô bán chỉ mất khoảng 12 ngày. Có thời điểm, xá pấu được giá lên đến hơn 10.000 đồng/kg, thấp cũng được 3.000 đồng/kg”.
Hành tím là cây màu chủ lực của đồng bào Khmer ở Vĩnh Châu.
Hơn 20 năm qua, cùng với các hộ nghèo khác trong khóm Vĩnh Bình, ông Hạnh đã từ bỏ nghề khai thác hải sản ven bờ với thu nhập thất thường. Khi tích lũy được vốn, ông mua đất rồi trồng củ cải. Cứ mùa vụ này tới mùa vụ khác, nghề làm xá pấu đã giúp đời sống của không chỉ riêng ông Hạnh mà những hộ từng phụ thuộc kinh tế vào nghề khai thác ven bờ cũng trở nên ổn định hơn. Bà con ở Phường 2 cho biết: Nhiều năm trước, ở khóm Vĩnh Bình và khóm Vĩnh An (được gọi là xóm Nhà Mát), người dân còn mò cua, bắt ốc để mưu sinh, còn nhiều căn nhà lá lụp xụp… nhưng hiện nay, nhiều hộ dân trong vùng đã khá lên nhờ trồng màu. Theo đó, cứ hết vụ hành tím, nông dân quay sang trồng củ cải. Ngoài việc tiêu thụ tại địa phương, xá pấu cũng được các thương lái ở tỉnh khác thu mua như: An Giang, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh…”.
Cũng là địa phương có đông đồng bào Khmer, xã Vĩnh Hải hiện có 22.569 người, trong đó đồng bào Khmer chiếm 47,97%. Trong 8 ấp của xã Vĩnh Hải đã có đến 6 ấp ven biển. Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải Trần Văn Thanh, đồng bào Khmer trên địa bàn xã chủ yếu trồng màu và chăn nuôi. Trong những năm qua, gần đây nhất là năm 2017, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương hỗ trợ cho đồng bào Khmer đầu tư, phát triển sản xuất, từ đó nhiều hộ khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Chỉ tính riêng năm 2017, xã Vĩnh Hải có 180 hộ thoát nghèo.
Anh Thạch Dù Ra ở ấp Âu Thọ B cho biết: “Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để thực hiện mô hình trồng rau trong nhà lưới, với diện tích 1.000m2. Tuy mô hình này có quy mô nhỏ nhưng hơn 1 năm qua đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng hành tím. Trong 1.000m2 này, tôi trồng các loại rau cải, có vụ bán ra 12 triệu đồng, trong đó lãi khoảng 60%”.
Là khu vực ven biển, nhiều hộ dân ở ấp Âu Thọ B sinh sống bằng nghề khai thác ven bờ còn gắn với việc bảo vệ rừng. Theo đó, Nhóm Đồng quản lý bảo vệ rừng ở ấp Âu Thọ B còn là lực lượng quan trọng cùng kiểm lâm bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương. Trong những năm từ 2004 đến 2007, rừng chỉ có kiểm lâm địa phương quản lý nhưng do lực lượng mỏng, nhiều người khai thác rừng bừa bãi, gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên. Từ khi thành lập Nhóm Đồng quản lý rừng vào năm 2008, ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của người dân nơi đây cũng dần được nâng cao, các hộ dân trong ấp cũng được hưởng lợi nguồn tài nguyên từ tán rừng. Tiêu biểu như mô hình nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ được xem là mô hình hiệu quả của các thành viên trong Nhóm Đồng quản lý.
Trong thời gian qua, việc xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sinh kế của đồng bào Khmer vùng ven biển đã giúp bà con dần ổn định cuộc sống. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, đời sống của nhiều hộ đồng bào Khmer vùng ven biển của TX. Vĩnh Châu ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.