Theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, đây là dịp để các hội viên Hiệp hội, người nuôi tôm, các doanh nghiệp cung ứng vật tư, thiết bị, công nghệ phục vụ ngành tôm có dịp giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình nuôi cũng như kỹ thuật, thiết bị công nghệ mới để người nuôi vận dụng vào thực tế, góp phần thành công trong vụ nuôi tôm nước lợ năm 2018.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp và biện pháp kỹ thuật cần áp dụng trong nuôi tôm, đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết giữa người nuôi tôm, người tiêu thụ, chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu để nâng cao giá trị. Những kỹ thuật nuôi tôm như: cải tạo ao, xử lý nước, chất lượng con giống, chăm sóc và quản lý ao nuôi… cũng được giới thiệu thông qua các mô hình nuôi tôm thành công, hiệu quả. Qua đó cũng thấy được những khó khăn, bất cập trong điều kiện nuôi tôm hiện nay, nhất là tình hình cạnh tranh khốc liệt, yêu cầu sản phẩm, an toàn thực phẩm ngày càng cao và “hàng rào” kỹ thuật để sản phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới, như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Từ kinh nghiệm thực tế của địa phương trong việc áp dụng nuôi tôm thương phẩm, phục vụ cho chế biến xuất khẩu theo mô hình khép kín, ông Hoàng Thanh Vũ, Công ty nuôi trồng thủy sản Tân Nam (Sao Ta, Sóc Trăng) đã chia sẻ kinh nghiệm kiểm tra con giống và sử dụng vi sinh đối kháng trong nuôi tôm.
|
Đại biểu dự Hội thảo phát biểu. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN |
Theo ông, để nuôi tôm phục vụ cho nhà máy của Công ty chế biến, xuất khẩu thì tôm phải sạch, việc lựa chọn tôm giống tốt, kiểm đếm số lượng, trọng lượng để thả và có kỹ thuật chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt mới cho ra tôm thương phẩm chất lượng tốt, năng suất, hiệu quả cao.
Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã thực hiện được hơn chục mô hình điểm nuôi tôm sạch có liên kết theo chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, nhiều mô hình nuôi tôm không sử dụng kháng sinh trên các loài thủy sản khác đang được người dân Sóc Trăng áp dụng; các nhà khoa học trong tỉnh cũng đã tìm ra dòng vi sinh bản địa, giúp xử lý đáy ao cũng như tăng cường hệ tiêu hóa cho tôm được triển khai rất hiệu quả.
Kinh nghiệm nuôi tôm thành công từ ao đất có xi phông đáy đem lại thành công lớn của gia đình ông Tăng Văn Xúa, Hợp tác xã nuôi tôm Hòa Nghĩa (Vĩnh Châu); hay mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Hưng Phú (huyện Cù Lao Dung) là những điển hình trong việc áp dụng kỹ thuật cao, cho ra sản phẩm tôm sạch, có giá trị, hiệu quả cao cũng được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo…
Nhân dịp này, các doanh nghiệp cung ứng tôm giống, thức ăn thủy sản, thuốc vi sinh, thiết bị ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm sạch, nuôi tôm siêu thâm canh… cũng được giới thiệu tới hội viên Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng.