Tin tức

Đắk Lắk: Thu nhập ổn định từ mô hình chăn nuôi dê lai
Đăng ngày 5/22/2018 2:22:15 PM
Sau khi lập gia đình năm 2008, anh Phạm Hồng Hoàng (thôn 2A, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) được bố mẹ cho 5 sào cà phê song hiệu quả từ trồng cà phê không cao.

Sau đó, anh Hoàng nhận bò của người dân trong thôn để chăn nuôi, ăn chia theo lợi nhuận từ việc bán bò. Tưởng chừng chỉ cần bỏ công sức chăm sóc đàn bò thì có thu nhập, nhưng do thời gian sinh trưởng và sinh sản của bò khá lâu nên hiệu quả kinh tế không đáng kể. Làm cách nào để phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập ổn định quanh năm cho gia đình khiến anh Hoàng nhiều đêm trăn trở.

 
dak-lak-thu-nhap-on-dinh-tu-mo-hinh-chan-nuoi-de-lai

Anh Phạm Hồng Hoàng bên chuồng nuôi dê của gia đình.

Sau khi đến tỉnh Đồng Nai học hỏi mô hình chăn nuôi dê của gia đình vợ, anh Hoàng quyết định rẽ hướng sang chăn nuôi dê. Năm 2014, anh Hoàng đã đầu tư trên 21 triệu đồng mua 3 cặp dê giống Boer về nuôi. Giống dê lai này có ưu điểm vượt trội so với giống dê cỏ như: Thời gian sinh trưởng nhanh, trọng lượng nặng hơn, sức đề kháng tốt. Anh Hoàng tham gia học một lớp sơ cấp về thú y và học thêm kiến thức chăn nuôi qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Sau vài tháng nuôi, 3 cặp dê ban đầu của anh Hoàng phát triển tốt và sinh lứa đầu tiên, trong khi đó anh không tốn nhiều tiền mua thức ăn vì thức ăn cho dê rất phong phú với các loại cây cỏ có sẵn trong tự nhiên. Đến đầu năm 2015, anh Hoàng mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng mở rộng chuồng trại chăn nuôi dê lai bằng hình thức nuôi nhốt cố định. Theo anh Hoàng tìm hiểu, hiệu quả kinh tế từ nuôi dê lai theo hình thức nhốt chuồng khá cao. Một con dê cỏ nuôi từ 5-7 tháng đạt trọng lượng khoảng 15 kg, trong khi đó dê lai đạt trọng lượng từ 25 – 30 kg.

Với giá dê hơi trên thị trường hiện nay khoảng 80.000 đồng/kg, thì một con dê lai cho thu nhập trên 2 triệu đồng, những thời điểm giá dê hơi tăng cao tới 100.000 đồng/kg thì cho lợi nhuận cao hơn, giá trị của một con dê lai cao gần gấp đôi so với dê cỏ truyền thống. Hiện nay, với diện tích chuồng trại 72 m2, anh Hoàng đã phát triển đàn dê của gia đình mình lên đến 70 con dê lai với nhiều giống khác nhau, có thời điểm đàn dê của anh phát triển trên 100 con. Từ việc cung cấp dê thịt và dê giống, bình quân mỗi tháng gia đình anh Hoàng có nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng.

Anh Hoàng chia sẻ: “Để dê sinh trưởng tốt và đạt tối đa trọng lượng, đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm vững các kỹ thuật, các đặc tính của loài dê. Dê là loại động vật ưa sạch sẽ nên chuồng trại lúc nào cũng phải sạch sẽ, thông thoáng, khô ráo, không ẩm ướt. Nguồn thức ăn cung cấp cho đàn dê phải đầy đủ, không để dê ăn quá no hoặc để quá đói thì dê sẽ bị chướng hơi; nếu dê ăn thức ăn bị ôi thiu, đọng nước thì sẽ bị tiêu chảy.

Tuy nhiên, cách chữa trị những căn bệnh này cũng rất đơn giản theo các bài thuốc dân gian như: dùng gừng và tỏi giã chung với nhau rồi chắt nước cho dê uống để trị chướng hơi; với bệnh tiêu chảy thì mình mua thuốc than về pha với nước cho dê uống”.

Anh Hoàng đang dự định vay nguồn vốn từ Quỹ Khởi nghiệp của Huyện Đoàn Cư M’gar để mở rộng chuồng trại nuôi dê lai với số lượng trên 100 con dê thương phẩm và trồng cỏ làm thức ăn cho đàn dê.