Tin tức

Sóc Trăng: Nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Đăng ngày 5/22/2018 2:57:25 PM
Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Sóc Trăng là một trong 10 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nếu mực nước biển dâng cao 1 mét vào năm 2100, Sóc Trăng sẽ bị ngập 45% diện tích tự nhiên khi triều thấp và ngập trên 72% diện tích tự nhiên khi triều cao.

Với trách nhiệm địa phương, Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015 với 21 nhiệm vụ nhằm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng cơ chế, chính sách và quản lý. Tỉnh cũng đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 dự án ưu tiên thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm Dự án xây dựng đê bao chống ngập úng vùng trũng Ngã Năm với tổng vốn 236 tỷ đồng và Dự án Nâng cấp đê biển ứng phó khí hậu và nước biển dâng huyện Cù Lao Dung có tổng vốn 191 tỷ đồng.
 
Image result for Sóc Trăng: Nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
 
Riêng với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chi cục Bảo vệ môi trường Sóc Trăng phối hợp Ban quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vửa tỉnh Sóc Trăng tổ chức tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và kịch bản nước biển dâng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng được hướng dẫn các giải pháp bảo vệ và ứng phó với biến đổi khí hậu như: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng kè sông, đê biển…
 
Rừng ngập mặn giống như dải đê thiên nhiên ngăn chặn sự dâng cao của nước biển
 
Qua kết quả đánh giá lớp tập huấn cho thấy các doanh nghiệp đã nâng cao kiến thức về biến đổi khí hậu và kịch bản nước biển dâng, có thể góp phần bảo vệ và chủ động ứng phó cũng như góp phần giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại doanh nghiệp.
 
Tại khu vực rừng phòng hộ ven biển Mỏ Ó, nơi đang triển khai dự án đồng quản lý rừng phòng hộ ven biển với mục tiêu lấn biển thêm rừng, chống hiện tượng biến đổi khi hậu, công việc trồng rừng lấn biển đang được thực hiện khẩn trương. Việc phát triển hệ trồng rừng phòng hộ sẽ giúp tỉnh hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển.
 
Đối với ngành nông nghiệp, đại diện lãnh đạo ngành Nông nghiệp Sóc Trăng cho biết, các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong nông nghiệp chủ yếu là xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp, xây dựng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường hệ thống tưới tiêu và các biện pháp chống chịu với ngoại cảnh khắc nghiệt. Trong đó, tập trung nghiên cứu biện pháp thích ứng của cây trồng, vật nuôi kết hợp việc phòng chống và cải tạo tự nhiên.
 
Ngoài việc quản lý chặt chẽ và tiết kiệm nước tưới cho cây trồng, hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu để giảm lượng nước thất thoát, rò rỉ bằng giải pháp bê tông hóa và kiên cố hóa kênh mương… tiếp tục nghiên cứu các công nghệ tưới tiêu khoa học nhằm tiết kiệm nước và nâng cao năng suất cây trồng. Cụ thể như lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt (tiết kiệm được ½ lượng nước tưới so với tưới bơm như hiện nay) trên diện tích trồng rau màu tại các địa phương khan hiếm về nguồn nước, nước tưới bị nhiễm mặn ở Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu… 
 
 Phát triển rừng phòng hộ ven biển với mục tiêu lấn biển thêm rừng, chống biến đổi khi hậu.
 
Song song với đó, tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi ở vùng trồng màu, trồng lúa để đáp ứng nhu cầu tưới nước và tiêu úng cho những khu vực bị ngập; tăng cường xây dựng hệ thống thủy lợi tại những khu vực thiếu nước tưới là giải pháp ưu tiên trong nông nghiệp nhằm đảm bảo sản xuất và thích ứng với tình trạng nắng hạn do biến dổi khí hậu gây ra; đầu tư xây dựng hệ thống cống, đập, nạo vét hệ thống kênh mương nhằm tiêu úng và ngăn mặn từ phía tỉnh Bạc Liêu sang cho vùng trũng Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Tú thông qua việc đầu tư xây dựng các đập trên kênh Quản Lộ Phụng Hiệp. Việc phát triển và chọn tạo các giống cây trồng chống chịu với các điều kiện bất lợi và thành lập ngân hàng giống cũng được tỉnh quan tâm.  
 
Trong lần làm việc với tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cũng đã nêu rõ, để hạn chế sức tác động của tình trạng BĐKH và xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng nhanh chóng và rõ rệt, Sóc Trăng cần chú ý đến sản xuất nông nghiệp và quy hoạch cây trồng, vật nuôi trong quá trình phát triển. Theo đó, Sóc Trăng cần quan tâm đến việc phát triển những giống lúa và cây trồng có khả năng chịu được hạn mặn trong thời gian tới. Đặc biệt, để phát triển lâu dài và toàn diện, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cần xây dựng nhiều mô hình thử nghiệm mang tính thực tế cao; trong đó, cần chú ý vào các loại cây lương thực như ngô, lạc, đậu tương… Để những giải pháp về nông nghiệp có tính khả thi cao nhất.