Dự án “xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai” giai đoạn 2 (tháng 8/2019 - 7/2022) do tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (BfdW) và tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) tài trợ đã mang lại nhiều hiệu quả và thành công nhất định cho cộng đồng và chính quyền địa phương thành phố Trà Vinh nói chung và phường 9 nói riêng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để thích ứng cao với thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH). Để tạo lan tỏa mạnh và có đủ điều kiện để vận động chính sách, các quy định mới được ban hành... nhằm ứng phó và thích ứng với thiên tai và BĐKH, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển thành phố Trà Vinh đề xuất vận động ngân sách Nhà nước nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững có khả năng chống chịu với BĐKH và các thực tiễn tốt. Nổi bật mô hình trồng nấm bào ngư của bà Thạch Thị Sa Bane, ở Khóm 10, Phường 9, thành phố Trà Vinh là một trong những mô hình thực hiện thành công. Bà Bane cho biết: tham gia thực hiện mô hình từ tháng 7/2022 đến nay, gia đình bà được dự án hỗ trợ 2.000 bịch nấm bào ngư giống, trong đó bà đối ứng trên 10 triệu đồng xây dựng nhà trại trồng nấm bào ngư. Sau 1,5 tháng, nấm bắt đầu cho thu hoạch khoảng 70 - 80kg/lần, giá bán 45.000 đồng/kg. Trước khi thu hoạch, bà mở nấp đập nấm, 04 ngày sau tiến hành thu hoạch. Khi thu hoạch xong bà vệ sinh và đậy nấp bịch nấm lại đến khoảng 01 tuần sau tiến hành thu hoạch tiếp. Đến nay đã thu hoạch được 04 lần. Theo cán bộ kỹ thuật, chu kỳ nấm trồng thu hoạch khoảng 07 lần kết thúc. Phụ phẩm nấm bào ngư sẽ ủ lại làm nấm rơm. Hay mô hình nuôi lươn của nông dân Thái Rên, khóm 4, phường 9 được dự án tài trợ 2.500 con giống. Sau 10 tháng nuôi đã thu hoạch với sản lượng 380kg, giá bán 120.000 đồng/kg, lợi nhuận 30 triệu đồng. Theo ông Rên chia sẻ, phần lớn thức ăn của lươn mua ngoài tỉnh nên chi phí khá cao, nhưng đầu ra sản phẩm lươn thương phẩm có giá trị trên thị trường. Để mô hình này mang lại hiệu quả bền vững cho người dân, các cấp, các ngành và địa phương cần tạo mối liên kết hợp tác đầu ra để nông dân an tâm sản xuất khi nhân rộng mô hình. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển thành phố Trà Vinh, dự án triển khai trong thời gian 02 năm với 68 mô hình sinh kế: trồng nấm bào ngư, nuôi lươn, nuôi ốc bươu đen, nuôi ếch tập trung ở Phường 8, Phường 9 và xã Long Đức, thành phố Trà Vinh. Các mô hình này tạo sinh kế lớn, đặc biệt là người nghèo, đồng bào Khmer, ưu tiên hộ nữ làm chủ hộ và người yếu thế trong xã hội. Qua đánh giá, mô hình nuôi ốc bươu đen có chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi và phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng triển khai dự án. Để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này cần tổ chức các chuyến tham quan vùng nuôi lớn, tọa đàm liên kết chia sẻ kinh nghiệm nuôi, tăng cường cập nhật kiến thức mới. Còn mô hình nuôi lươn nếu kết hợp kinh nghiệm và kỹ thuật mới trong việc nuôi và chăm sóc khá thuận lợi. Mô hình trồng nấm cần hỗ trợ nhiều hơn trong khâu thiết kế, chăm sóc và thu hoạch. Các mô hình của dự án hiện nay chưa có liên kết, phần lớn sản phẩm của các mô hình tiêu thụ tại chợ địa phương. Thời gian tới, thành phố tập trung liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất với số lượng và chất lượng theo nhu cầu có ký kết hợp đồng đầu vào, đầu ra và xây dựng phương án đánh giá rủi ro cho từng mô hình. Đồng thời nhân rộng các mô hình theo thứ tự ưu tiên: mô hình nuôi ốc bươu đen; nuôi lươn; nuôi ếch; trồng nấm bào ngư. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình nuôi ếch cần xây dựng phương án đề phòng bệnh phổi, bệnh về ký sinh trùng trên da và có giải pháp hạn chế mưa lùa vào mùa mưa. Nắng nóng và nhiệt độ cao hầu như điều tác động đến tất cả các mô hình, do đó cần có giải pháp giảm nhiệt độ theo hướng sinh thái những vật dụng sẵn có như thả bèo tai tượng để thực hiện mô hình nuôi ốc; dùng lá dừa che nắng mưa để nuôi ếch; dùng nhà trại bằng lá để trồng nấm bào ngư nhằm ổn định nhiệt độ trồng và tránh gió lùa. Ngoài ra, cần tập huấn hỗ trợ kỹ thuật tại mô hình trong những vụ đầu triển khai, hướng dẫn cách theo dõi thu thập và phân tích những hiện tượng bất thường trong mô hình. Ghi chép nhật ký sản xuất để rút ra kinh nghiệm, từ đó có giải pháp khắc phục rủi ro thiệt hại; hỗ trợ liên kết đầu vào đầu ra bền vững. Hình thành vùng nguyên liệu làng nghề tập trung tránh dàn trải và hướng đến sản phẩm OCOP cho địa phương. Các sản phẩm có thể hướng đến như ốc bươu đen gác bếp, ốc bươu ướp sa tế; chả ốc bươu; dồi ốc; nấm tươi hút chân không, nấm bào ngư sấy khô, combo lẩu nấm; lươn thịt VietGAP; ếch thịt VietGap; đùi ếch hút chân không, chà bông ếch, chả ếch… Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thiết kế nhãn mác, bao bì công nghiệp, truy xuất nguồn gốc và bảo hộ trí tuệ cho các sản phẩm trên khi sản xuất thành công. Các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ nữ làm chủ hộ, hộ đồng bào Khmer có điều kiện kinh tế còn khó khăn. Do đó, về vốn đối ứng còn gặp nhiều hạn chế, mà không đối ứng theo thiết kế dự án sẽ khó tiếp cận và khả năng thành công cao. Vì vậy, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển thành phố mong tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi để đầu tư phần đối ứng cho mô hình được hiệu quả.