Đối mặt với tình hình đó, tháng 2/2021, hộ gia đình anh Lê Văn Song (khóm 10, phường 9, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đã chủ động chuyển đổi hơn 1ha diện tích đất sang trồng cây sả để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và bước đầu cho hiệu quả cao. Sả là loại cây thân thảo, sống chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Ở nước ta, cây sả phân bố rộng khắp các vùng. Cây sả có thể thích ứng với vùng đất xâm nhập mặn, thường xuyên phải đối mặt với hạn hán và thiếu nước canh tác như phường 9, thành phố Trà Vinh. Vào mùa khô, nếu thiếu nước, sả có thể sống sót với nước có độ mặn thấp. Đây là một lợi thế lớn khiến sả được chọn làm cây trồng kinh tế chủ đạo ở vùng mặn. Theo anh Song: “Cây sả vốn rất dễ trồng, dễ chăm sóc, thích nghi với điều kiện khô hạn, không bị dịch bệnh như các loại hoa màu, ít tốn công chăm sóc, chỉ cần làm cỏ, bón phân là thu hoạch, đặc biệt cây sả thích nghi trên mọi vùng đất, kể cả trên vùng đất bị nhiễm phèn mặn”. Trồng sả khá đơn giản và không cần sử dụng thuốc trừ sâu. Do đó, ít gây hại cho môi trường. Mỗi năm, cây sả cho thu hoạch 2 vụ chính, 1 công cho năng suất bình quân hơn 1 tấn sả thương phẩm. Thêm vào đó, cây sả còn có ưu điểm nổi bật là có thể thu hoạch chậm hơn từ 3-4 tháng mà vẫn không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng ba lần so với trồng lúa. Anh cho biết: Cơ duyên đến với cây sả chủ yếu là trồng để bảo vệ đất, tuy nhiên sau thu hoạch bà nhận thấy “trồng chơi mà ăn thiệt”, hiệu quả rất cao. Ban đầu để có nguồn giống trồng, anh đã đi xin nhiều nơi, mỗi nơi một vài bụi sả gom về trồng được trên 2 công, cứ thế anh nhân rộng từ từ trên 1ha. Anh áp dụng phương pháp trồng kỹ thuật hàng cách hàng đều nhau 4 thước, sau đó khoảng 20 ngày bón phân ure kết hợp phân đầu trâu 1 lần, mỗi lần từ 5kg/1 công giúp cây phát triển tốt. Từ khi trồng đến khi thu hoạch 6 tháng chỉ cần bón 2 lần phân là đủ. Qua thời gian chăm sóc, với hơn 1ha trồng sả, vừa qua hộ gia đình anh đã thu hoạch được trên 10 tấn sả thương phẩm, thương lái ở tỉnh Bến Tre đến thu mua tận vườn với giá 1.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí công trồng, phân bón, bà có lãi ròng khoảng 15 triệu đồng. Hiện vườn sả nhân giống mới hơn 1ha của anh đang phát triển tốt, hứa hẹn cho thu hoạch cao trong dịp tết 2023. Anh Song còn cho biết thêm: kỹ thuật trồng sả không có gì khó, nhưng mùa nắng là thời điểm lý tưởng thích hợp để trồng sả, riêng mùa mưa thì xẻ rảnh để thoát nước tránh cho sả bị ngập úng, vì sả là loại cây trồng không ưa nước, phát triển chủ yếu nhờ vào qui trình hấp thụ độ ẩm của mù sương, độ ẩm càng nhiều cây sả phát triển càng tốt. Ngoài ra, để vườn sả được trẻ hóa, sau mỗi lần thu hoạch, anh tiếp tục trồng mới, làm cỏ, bón phân, nhờ đó thời gian thu hoạch vụ chu kì mới được rút ngắn còn 4 tháng. Tuy giá kinh tế chưa cao, nhưng với những ưu thế về điều kiện tự nhiên và thích ứng với khu vực bị xâm nhập mặn ở phường 9 và thị trường tiêu thụ, cây sả đã mở ra hướng đi đúng và phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Ông Huỳnh Văn Hạnh – Phó chủ tịch UBND phường 9 cho biết: “Mô hình trồng sả của hộ gia đình anh Lê Văn Song đã đem lại hiệu quả cao, bên cạnh đó nhờ mô hình trồng sả của anh Song đã giúp chính quyền địa phương phường tạo việc làm cho lao động của địa phương nhờ vào thu hoạch sả. Sả được xem là cây trồng giúp giảm nghèo phường 9. Hiện tại, phường 9 đã trở thành vùng canh tác sả trọng điểm của tỉnh Trà Vinh, mang lại lợi ích kinh tế quan trọng. Trong thời gian tới chính quyền địa phương phường tiếp tục khuyến khích, vận động nhân dân địa phương tận dụng các diện tích đất hoang hóa, bờ ao cá, liếp dừa để trồng sả, đồng thời tìm cơ hội liên hệ đầu ra và tập kết một điểm thu mua để nhân rộng mô hình, tránh trường hợp thương lái ép giá, góp phần tăng thu nhập, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân”./.