Sau 5 năm chuyển đổi một phần đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng cỏ nuôi bò, ông Trần Văn Tâm (khóm 1, phường 9, thành phố Trà Vinh) đã an tâm với việc lựa chọn chuyển đổi chăn nuôi để phát triển kinh tế của gia đình. Ông Tâm cho biết, sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, nhận thấy thời gian tới ảnh hưởng biến đổi khí hậu sẽ ngày càng khốc liệt hơn, ông mạnh dạn chuyển đổi sang chăn nuôi để có hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Trước đây, với 7.000 mét vuông đất lúa của gia đình, mỗi năm làm được 3 vụ. Khi đó, thu nhập của gia đình ông Tâm tạm ổn, nhưng thời gian sau tình trạng nước mặn xâm nhập ngày càng kéo dài, độ mặn càng tăng thêm, thu nhập từ cây lúa không được ổn định. Từ đó, ông Tâm quyết định mua thêm 2 con bò cái sinh sản về nuôi để kiếm thêm thu nhập. “Lúc đầu cắt cỏ quanh bờ ruộng, tận dụng nguồn rơm từ trồng lúa, sau đó tôi chuyển đổi 3.000 mét vuông đất trồng lúa kém hiệu quả lên liếp trồng cỏ nuôi bò. Đến nay, đàn bò của gia đình lên 7 bò nái sinh sản. Nguồn thu nhập từ đàn bò mỗi năm hơn 100 triệu đồng, gấp từ 3 - 4 lần thu nhập trồng lúa trong 1 năm”, ông Tâm chia sẻ.
Ông Tâm nhận định, nếu chỉ sản xuất lúa, không mạnh dạn chuyển đổi thì giờ đây kinh tế gia đình sẽ bấp bênh, vì mỗi năm chỉ làm 1 hoặc 2 vụ lúa, chưa kể nước mặn ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, con bò thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, do khả năng chịu mặn tốt, nguồn thức ăn phong phú nên được nhiều gia đình lựa chọn nuôi để phát triển kinh tế.
Thành công với mô hình trên, anh Tâm đã mạnh dạn chia sẻ, hỗ trợ người dân khu vực khóm 1 cùng chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang chăn nuôi để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống người dân.