Nghề đúc tượng là một nghề được truyền lại và phát triển từ lâu đời của nước ta. Tượng Phật với mục đích để thờ phụng, nên quy trình chế tác đòi hỏi công phu nghiêm cẩn, không phải bất cứ nơi nào cũng làm được. Mỗi nghệ nhân không chỉ cần có sự khéo léo của đôi tay, trí tưởng tượng của khối óc, mà còn phải nắm vững những quy định khe khắt về động tác, dạng thế, kích thước, cách trang phục và các đặc tính cơ bản của mỗi loại tượng. Bởi vậy, từ xưa đã hình thành nên những làng nghề truyền thống chuyên chế tác tượng Phật, phát triển rất thịnh vượng.
Hộ gia đình anh Sơn Danh, ngụ Khóm 5, Phường 8, thành phố Trà Vinh làm nghề đúc tượng phật từ lâu đời. Theo anh cho biết để cho ra một sản phẩm, trước tiên người thợ phải chia tỷ lệ để bẻ sắt cho đúng kích thước sản phẩm như mong muốn. Tiếp đến, sẽ lên cốt là đắp phần hồ thô lên từng chi tiết, đến đây sản phẩm được xem như khá hoàn chỉnh. Khâu cuối cùng là chà nhám và sơn màu hoặc sơn giả đồng.
Gia đình anh đúc chủ yếu là tượng phật, tượng thánh thần… tùy theo kích thước mà các bức tượng có thể được bán với giá từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng. Để tạc được một bức tượng hoàn chỉnh, thì từ khuôn mặt của bức tượng người thợ phải tạo ra được cái hồn cho sản phẩm. Đây được xem là yếu tố quyết định sự thành công của người thợ. Trung bình một bức tượng được làm khoảng 10 ngày là hoàn chỉnh. Hiện nay, tượng các loại không chỉ có mặt ở các đền chùa, mà các bức tượng cũng được nhiều gia đình lựa chọn để đặt ở nhà.
Anh cho biết thêm hàng năm, sau khi trừ số vốn bỏ ra và các chi phí thì bình quân gia đình anh còn lời được khoảng 50 triệu đồng. Tuy nghề đúc tượng phật khá vất vả, nhiều dịp phải làm gấp để kịp đơn hàng giao cho khách anh phải thuê mướn thêm nhiều nhân công hỗ trợ. Nhờ có danh tiếng về làm tượng và lượng khách hàng ổn định nên gia đình anh có thêm nguồn thu nhập cho cuộc sống.