Đề tài được thực hiện trong 3 năm trên diện tích hơn 100ha theo hướng VietGAP, vụ này được áp dụng trên diện tích 10ha, 2 vụ còn lại tăng lên 100ha.
Từ tháng 2 năm nay, tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu triển khai Đề tài khoa học công nghệ độc lập Quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến tỏi Lý Sơn bền vững theo chuỗi giá trị” trên địa bàn huyện Lý Sơn.
Đề tài đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và bố trí kinh phí đầu tư 11,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh và doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ngãi đã chọn Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín phối hợp với huyện Lý Sơn thực hiện. Đề tài được thực hiện trong 3 năm trên diện tích hơn 100ha theo hướng VietGAP. Vụ tỏi năm nay được áp dụng trên diện tích 10ha, 2 vụ còn lại tăng lên 100ha.
Người dân Lý Sơn chăm sóc vụ tỏi Đông Xuân.
Theo đó, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín sẽ liên kết với khoảng 200 hộ nông dân để ứng dụng các phương pháp khoa học công nghệ trồng tỏi. Nông dân được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác.
Quy trình canh tác tỏi của doanh nghiệp không thay đổi hoàn toàn phương thức canh tác truyền thống của nông dân, doanh nghiệp chỉ bổ sung dinh dưỡng, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho đất. Quá trình chăm sóc tỏi đều sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ vi sinh. Năng suất dự kiến đạt từ 55- 60 tạ/ha.
Thu hoạch tỏi.
Doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường; đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng làm khu bảo quản, chế biến các sản phẩm từ tỏi như: chế biến tỏi đen, đồ uống từ tỏi, bột tỏi; và kết hợp với mô hình du lịch trải nghiệm, du khách tự trồng, chế biến các sản phẩm từ tỏi.
"Người nông dân khi tham gia chuỗi liên kết và bao tiêu sản phẩm tỏi sẽ hạn chế việc phun thuốc hóa học, nâng cao được giá trị thu nhập qua công nghệ sản xuất, chế biến an toàn. Nông dân được nhà nước hỗ trợ một phần hoặc một nửa chi phí sản xuất đầu vào. Tham gia đề tài này còn giúp người dân Lý Sơn cải thiện môi trường sống, và phát triển ngành du lịch bền vững kết hợp với nông nghiệp trải nghiệm”, kỹ sư nông nghiệp Phan Sơn, Chủ nhiệm đề tài cho biết./.