Huyện Đầm Dơi (Cà Mau) nằm trong vùng mặn nhưng người dân địa phương vẫn biết cách cải tạo những mảnh đất khắc nghiệt thành những luống rau, vườn màu để tăng thu nhập.
Đặc biệt, dịp cuối năm, người dân trồng dưa hấu để cung cấp cho thị trường Tết nên càng có nguồn thu cao hơn.
Gia đình ông Lâm Văn Quyền (ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi) đã nhiều năm nay đều trồng vụ dưa hấu đón Tết trên diện tích hơn 1.000 m² đất cạnh nhà. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên gia đình ông lại trúng mùa. Hiện dưa hấu trái lớn đã đạt trọng lượng 6 - 7 kg, trái nhỏ cũng đã 4 - 5 kg. Gia đình ông ước tính, sau khi để dưa hấu lại biếu họ hàng, vụ mùa đón Tết này vẫn mang lại nguồn thu khoảng 10 triệu đồng.
Ông Quyền cho biết, trước đây, gia đình chỉ trồng rau màu trên diện tích nhỏ quanh nhà, phục vụ bữa ăn hàng ngày. Do độ mặn cao nên rau màu cũng không được tươi tốt. Tuy nhiên, sau vài vụ trồng, độ mặn được rửa bớt thì tín hiệu ngày càng tích cực. Đặc biệt, gia đình ông còn học hỏi được cách ủ phân từ vỏ và đầu tôm để cải tạo đất nên hiệu quả ngày càng cao.
Ông Lâm Văn Quyền có vụ dưa hấu đón Tết thành công.
Theo đó, thay vì bỏ đi vỏ tôm và đầu tôm tươi đã lấy ruột thì bà con mang đi ủ thành phân, dùng tưới rau màu. Loại phân này chính là bí quyết để gia đình ông Lâm Văn Quyền đã trồng 6 vụ dưa hấu đón Tết, đều thành công.
“Tôi dùng phân NPK với phân tôm để cải tạo. Nếu trồng ít khoảng 50 - 70 dây dưa hấu thì bỏ vô khoảng 1kg phân tôm, rồi ngâm 2-3 ngày. Chúng tôi có thể ủ phân từ năm trước, năm nay lấy dùng thì càng tốt” - ông Lâm Văn Quyền nói.
Theo người dân địa phương, kỹ thuật cải tạo đất để trồng thành công các loại rau màu không khó. Mùa mưa không cần kê líp nhưng mùa nắng phải kê líp cao khoảng 0,2 - 0,5 m. Cần phải bón vôi cải tạo đất cách ngày trồng khoảng 1 tuần. Quá trình canh tác còn lại như trồng rau màu ở vùng ngọt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với bà con ở đây chính là nguồn nước tưới vào mùa khô.
Vốn canh tác rau màu ngay trên mặt nước mặn nên bà con cần lượng nước tưới nhiều hơn. Do ở địa phương chỉ có duy nhất nguồn nước ngầm nên mỗi gia đình cũng chỉ canh tác được từ 1 - 2 công đất, chứ không thể mở rộng diện tích.
Người dân huyện Đầm Dơi đang tất bật thu hoạch vụ dưa hấu trồng trên đất mặn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hóa (cùng ở xã Thanh Tùng) cũng đã có kinh nghiệm 3 năm trồng màu trên sân và các bờ vuông gần nhà. Với diện tích khoảng 1.500 m², gia đình ông có thêm nguồn thu khoảng 40 triệu đồng/năm. Thông thường, gia đình ông trồng bắp hoặc các loại rau màu. Tuy nhiên, cứ gần Tết, ông cũng như nhiều hộ dân khác ở địa phương lại chuyển qua trồng dưa hấu để phục vụ cho thị trường Tết.
“Tôi thấy đất trống, bỏ cỏ lên uổng thì đầu tư trồng. Trồng thì lấy công làm lãi, năm trồng 2 vụ bắp, 2 vụ dưa” - ông Nguyễn Văn Hóa cho biết.
Ông Nguyễn Phương Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết, toàn huyện có khoảng 500 ha đất trồng hoa màu. Mặc dù, đất ở địa phương bị nhiễm mặn quanh năm nhưng nếu cải tạo bài bản mô hình trồng màu vẫn mang lại hiệu quả khá cao. Kỹ thuật cải tạo đất mặn không quá khó, thời gian qua, ngành chức năng địa phương cũng đã phổ biến rộng rãi để bà con sản xuất hiệu quả hơn.
Các cấp chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân phát triển trồng hoa màu để phục vụ đời sống và tăng thu nhập. Đặc biệt, vào dịp cuối năm càng giúp bà con có nguồn thu lớn hơn từ vụ mùa đón Tết./.