Nhờ đó, phong trào đã có bước phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia hưởng ứng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn ở địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân.
Đồng chí Lương Thị Bích Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quản Bạ cho biết: Quản Bạ là huyện vùng cao thuần nông có 87,87% dân số là nông dân, số lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là 24.267 lao động, chiếm 78,74% tổng số lao động trong toàn huyện.
Những năm qua, Hội Nông dân huyện đã tập trung triển khai, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, phát huy tốt vai trò tập hợp, hỗ trợ hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nông thôn mới. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của hội và các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, chỉ đạo hội nông dân cơ sở phối hợp tổ chức xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, bám sát tình hình thực tế ở địa phương”.
Hội Nông dân huyện Quản Bạ hiện có 11.155 hội viên, sinh hoạt tại 13 tổ chức cơ sở Hội. Hàng năm, Hội Nông dân huyện đã tập trung triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, HĐND các cấp gắn với thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân Việt Nam; tuyên truyền các Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ huyện; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện “Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang”; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn, hội thảo, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, kết quả có trên 971 cuộc với 67.205 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia.
Nhờ đó, hội viên, nông dân trên địa bàn huyện đã tiếp cận và hiểu rõ về nội dung, tiêu chí hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, mạnh dạn đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong giai đoạn 2018 - 2023, bình quân hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đều tăng.
Đến nay, toàn huyện có trên 6.000 hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, hàng năm có 398 hộ trở lên đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, tự nghiên cứu tìm tòi các loại cây, con mới thay thế các giống cây con truyền thống có năng suất và chất lượng thấp, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn.
Điển hình như các hộ: ông Cháng Thìn Lù (xã Thanh Vân), tham gia các mô hình đầu tư có thu hồi, vay vốn theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND, 86/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để chăn nuôi bò hàng hóa, quy mô 15 – 80 con; mô hình nuôi ong lấy mật của hộ gia đình ông Lò Xín Tá (xã Quyết Tiến) với quy mô 200 tổ ong kết hợp với chăn nuôi gà, vịt, chim Bồ câu; anh Ly Văn Bình (xã Lùng Tám) với mô hình nuôi lợn đen cho lợi nhuận bình quân trên 200 triệu đồng/năm.
Trao đổi với phóng viên, anh Ly Văn Bình, thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám cho biết: “Tham gia hội nông dân ở địa phương, tôi được tham dự các lớp tập huấn, tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả đã giúp bản thân có thêm kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình. Tôi bắt đầu nuôi lợn đen từ năm 2015 với quy mô 40 con lợn nái, chủ yếu để bán lợn giống cho các gia đình có nhu cầu tại địa phương và một số xã lân cận. Năm 2020, nhận thấy nuôi lợn đem lại hiệu quả kinh tế tôi đã dùng số tiền tiết kiệm của gia đình mạnh dạn đầu tư, xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố có hệ thống xử lý chất thải để chăn nuôi lợn theo hướng trang trại”.
Những kết quả đạt được từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần khẳng định vai trò trung tâm và nòng cốt của hội nông dân các cấp và hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Quản Bạ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tin tưởng rằng trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào, từ đó tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao, góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, gắn với thương hiệu sản phẩm và phát triển mạnh theo hướng kinh tế tập thể.