Sinh kế

Mô hình nuôi lươn không bùn tại Phường 8
Đăng ngày 9/20/2022 7:37:25 AM

Hình thức nuôi lươn hiệu quả và phổ biến hiện nay là nuôi trên bể không bùn bằng giống nhân tạo và sử dụng thức ăn viên. Hình thức nuôi này có ưu điểm: Cỡ giống đồng đều, chất lượng giống ổn định, sử dụng được thức ăn viên giúp cho tỷ lệ sống cao và thuận lợi trong quá trình nuôi; đặc biệt mô hình này ít tốn diện tích phù hợp cho hộ ít đất sản xuất, phù hợp cả nơi đô thị, ít tốn thời gian, dễ áp dụng kỹ thuật, cho thu nhập cao.

Hộ anh Thạch Chane Thi, ngụ Khóm 7, Phường 8, thành phố Trà Vinh được Ban quản lý dự án hỗ trợ phát triển (AAV) tại thành phố Trà Vinh hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn. Qua đó, hộ gia đình anh được Ban quản lý hỗ trợ 2.500 con giống và kỹ thuật nuôi lươn.

Theo anh chia sẻ, qua lớp tập huấn của Ban quản lý dự án anh biết được kỹ thuật nuôi hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Bể nuôi lươn được lót bạt và bể có hình chữ nhật chiều rộng 2m và chiều dài 5m, độ sâu tối thiểu từ 0,8 – 1,0m. Thành và đáy bể cần làm bằng các vật liệu trơn láng. Mặt đáy cần bằng phẳng và hơi nghiêng về phía ống thoát nước. Toàn bộ hệ thống nuôi được che bởi mái che nhằm hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể làm nhiệt độ nước tăng cao ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của lươn. Ống cấp nước: Nối thông với nguồn nước cấp, đặt bằng hoặc cao hơn mặt bể. Ống thoát nước đặt sát đáy bể. Ống xả tràn đặt cao hơn mực nước trong bể khoảng 10cm (để xả bỏ lớp nước mặt sau những trận mưa). Tất cả các ống nói trên đều phải được chắn lưới để tránh lươn chui ra ngoài.

Duy trì mức nước bể nuôi trong suốt quá trình nuôi đạt 20 - 50cm (vừa ngập các giá thể), không cần cho nhiều. Thay nước: Thay 100% lượng nước trong bể trước hoặc sau khi cho ăn 1 - 2 giờ, 1 - 2 lần/ngày. Nếu nuôi mật độ dầy, nên thay nước mỗi ngày 2 lần; còn ở mật độ thưa thì 1 ngày thay nước 1 lần. Nhiệt độ nước mới và nước cũ không chênh lệch quá 3°C. Khi thay nước phải kết hợp xịt rửa vệ sinh và quan sát thấy lươn có dấu hiệu bệnh nên bắt và tách riêng lươn bệnh ra thau hoặc thùng để điều trị tránh bị lây lan mầm bệnh. Định kỳ bổ sung thêm men tiêu hóa, Vitamin C, sổ giun sán và trộn tỏi vào thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho lươn. Đặc tính của lươn là ăn vào ban đêm, do đó, ban đêm cho lươn ăn lượng thức ăn khoảng 80%, còn 20% cho ăn vào ban ngày.

Sau thời gian nuôi, khi lươn đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch, trước khi thu hoạch nên cho lươn nhịn ăn 1 ngày. Đến nay sau 10 tháng nuôi, hộ anh đã thu hoạch được khoảng 200kg lươn, bán với giá 150.000 đồng/kg, tổng số tiền là 30.000.000 đồng. Sau khi trừ các chi phí anh còn lời được khoảng 20.000.000 đồng.

 


Tác giả: Bích Phụng (bichphung2)
Ngành nghề: Chăn nuôi
Loại sinh kế: Chăn nuôi
Số lượng: 0
Diện tích: 0 m2
Ngày bắt đầu: 1/1/1900

Video minh họa: