Sinh kế

Nuôi thủy sản trong vèo, bể xi măng, tạo sinh kế cho hộ nghèo
Đăng ngày 6/26/2023 5:01:03 PM

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (BfdW) và tổ chức ActionAid Việt Nam (AFV), Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển thành phố Trà Vinh hỗ trợ 21 hộ nghèo, hộ Khmer ở Phường 8, Phường 9 và xã Long Đức thực hiện mô hình nuôi thủy sản.


Tác giả: Lý Công Thành (lycongthanh)
Ngành nghề: Nuôi trồng thủy sản
Loại sinh kế: Nuôi trồng thủy sản
Số lượng: 2500
Diện tích: 18 m2
Ngày bắt đầu: 1/1/2022

Các hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình sinh kế chủ yếu con giống, thuốc, thức ăn (trùn quế) để nuôi thủy sản như nuôi lươn, ếch,… đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần giảm nghèo.

Điển hình như nông dân Đinh Văn Cho, ấp Công Thiện Hùng, xã Long Đức là một trong những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, không đất sản xuất, cuộc sống gia đình dựa vào nghề làm thuê, năm 2022, ông Cho được Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển thành phố Trà Vinh hỗ trợ 2.500 con ếch giống và 05kg cá rô giống, thuốc, thức ăn trùn quế và vật tư nuôi ếch (vèo) với số tiền 6,2 triệu đồng. Từ đó, ông thiết kế 02 vèo lưới trên hệ thống kênh thủy lợi nội đồng xung quanh nhà để nuôi ếch kết hợp với cá rô trên diện tích mặt nước 18m2. Sau 54 ngày nuôi, ông thu hoạch bán với giá 50.000 đồng/kg, lợi nhuận 08 triệu đồng. Từ nguồn lợi nhuận này, ông đầu tư vụ nuôi mới và đạt lợi nhuận 06 triệu đồng.

Theo ông Cho, nuôi ếch kết hợp với cá rô vừa hạn chế thức ăn và không gây ô nhiễm môi trường nuôi, nguồn lợi nhuận cao. Nhận thấy hiệu quả từ nuôi ếch kết hợp với cá rô mang lại hiệu quả cao, hiện nay ông Cho đã hướng dẫn cho 05 hộ lân cận nuôi áp dụng hình thức này và mang lại hiệu quả cao. Thực hiện mô hình nuôi ếch trong vèo chủ yếu gần kênh thủy lợi nội đồng, môi trường nước được thay đổi thường xuyên, sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường nước và dịch bệnh.

Cùng hưởng lợi, nông dân Nguyễn Văn Cảnh, ấp Long Đại, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh được Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển thành phố Trà Vinh hỗ trợ thuốc, trùn quế, vèo lưới và 6.250 con ốc bươu đen giống thả nuôi trong vèo trên diện tích mặt nước 40m2. Với diện tích này, ông thiết kế 04 vèo lưới trong mương vườn dừa, trong đó có 02 vèo thả nuôi, 01 vèo nuôi bèo làm thức ăn cho ốc bươu, 01 vèo nuôi ốc bươu bố mẹ để đẻ trứng.

Ông Cảnh cho biết: chi phí đầu tư ốc bươu giống khá cao, phần lớn mua ở ngoài tỉnh. Để có sản lượng cung cấp cho thị trường và hạn chế chi phí đầu tư giống ban đầu, sau khi ốc bươu mẹ đẻ trứng, ông vớt trứng đem bỏ vào thùng mốp xốp để ấp trứng. Trong thùng mốp xốp chứa nước, trên mặt nước thả bèo và gác 02 nhánh cây nhỏ dùng để kê cái rổ đựng trứng ấp. Sau đó, đậy kín nắp thùng xốp để ấp trứng ốc trong vòng 15 ngày, ngày nắng tưới phun sương trên trứng ốc 01 lần/tuần. Sau 15 ngày nghiên cứu thử nghiệm ương dưỡng trứng ốc bươu nở ra khoảng 100 - 200 con ốc bươu giống. Do đây là con nuôi mới nên bước đầu ông vừa nuôi ốc bươu thương phẩm vừa nuôi dưỡng ốc bươu bố mẹ để ương dưỡng con giống. Hiện tại ông đang tuyển chọn thu hoạch từng đợt những con ốc bươu thương phẩm bán với giá 50.000 đồng/kg.

Nông dân Dương Văn Tuấn, ấp Sa Bình, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh được Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển thành phố Trà Vinh hỗ trợ trùn quế, thuốc và 2.500 con lươn giống nuôi trong bể xi măng, sau 10 tháng cho thu hoạch gần 400kg, giá bán 120.000 đồng/kg, lợi nhuận 30 triệu đồng.

Ông Tuấn cho biết: con lươn giống chi phí đầu tư ban đầu cao, nguồn con giống và thức ăn mua từ ngoài tỉnh. Vụ nuôi lươn mới ông dự kiến đầu tư thả nuôi 5.000 con giống và nghiên cứu thức ăn như ốc bươu, đầu tôm xay nhuyễn làm thức ăn cho lươn. Sắp tới, nguồn thức ăn này phù hợp, ông chủ động được lượng thức ăn trong quá trình nuôi lươn trong bể xi măng, giảm chi phí đầu tư thức ăn công nghiệp, tăng lợi nhuận.

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh, Trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển thành phố Trà Vinh, mô hình nuôi thủy sản của các hộ được hưởng lợi đem lại kết quả khả quan và cải thiện thu nhập cho hộ nghèo và từng bước nhân rộng mô hình này ra địa bàn lân cận. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm con nuôi thủy sản hiện nay có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là mô hình nuôi ếch thương phẩm trong vèo kết hợp với cá rô là mô hình hỗn hợp với đa dạng đối tượng nuôi trên cùng diện tích, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hiện Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển thành phố Trà Vinh thiết kế mô hình nuôi ếch thịt sử dụng thức ăn tự nhiên, đồng thời xây dựng mô hình nuôi cá kết hợp với các hộ nuôi ếch dưới vèo để củng cố và tăng thêm thu nhập cho người dân.

Video minh họa: