Sinh kế

Phát huy hiệu quả các mô hình sinh kế hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo
Đăng ngày 6/26/2023 5:17:39 PM

Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Trà Vinh cùng các cấp Hội cơ sở đã triển khai hiệu quả các phong trào, mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chăm lo hỗ trợ sinh kế giúp hội viên. Đặc biệt, từ đầu năm 2022, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo quyết liệt các cấp Hội xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giúp gia đình hội viên có điều kiện vươn lên, thoát nghèo bền vững.


Tác giả: Lê Thị Bích thảo (lethibichthao)
Ngành nghề: Trồng trọt
Loại sinh kế: Trồng trọt
Số lượng: 6000
Diện tích: 40 m2
Ngày bắt đầu: 1/1/2022

Trong thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế, đến nay, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai và xây dựng được 09 điểm mô hình với 103 hội viên phụ nữ được hỗ trợ, trong đó có 52 chị là người Khmer, 43 là hộ nghèo, 35 là hộ cận nghèo, 23 là hộ khó khăn. Mô hình sinh kế của chị em rất đa dạng bao gồm trồng trọt (trồng rau màu như cải, bầu, bí, dưa leo, hành, ớt...), chăn nuôi (dê, bò, gà, vịt, ếch, cua), buôn bán (rau cải, vé số, làm và bán bánh...).

Các cấp Hội đã hỗ trợ trên 01 tỷ đồng giúp chị em thực hiện các mô hình sinh kế, trong đó, Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn vốn “Người có giúp người khó” giúp chị em mua cây giống, con giống, hàng hóa để thực hiện mô hình. Tùy theo mô hình, các chị được hỗ trợ 01 - 03 triệu đồng. Bên cạnh, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ các chị vay 654 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 70 triệu đồng giúp 70 chị thực hiện mô hình sinh kế.

Theo đồng chí Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: xác định phong trào giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội, thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh luôn tích vận động hội viên, phụ nữ tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, như: chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, duy trì và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình có hiệu quả. Qua đó, giúp nhiều hội viên có điều kiện vươn lên, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Nhiều mô hình sinh kế đã phát huy hiệu quả và có khả năng nhân rộng như: mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô của chị Nguyễn Thị Cẩm Dung (huyện Duyên Hải), mô hình nuôi cút thịt và cút đẻ trứng của chị Phạm Thị Hoàng (huyện Càng Long), mô hình trồng màu của chị Nguyễn Thị Thanh Nhanh (huyện Châu Thành)... 

Trong đó, mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô của chị Nguyễn Thị Cẩm Dung, ấp La Bang Chợ, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải được đánh giá cao.

Gia đình chị Cẩm Dung thuộc hộ cận nghèo, ít đất sản xuất. Trước đây, chị chỉ nuôi ếch trong 02 hồ lót bạt sát vách nhà với diện tích rất nhỏ. Sau đó, tận dụng nhà gần sông, chị làm vèo nuôi dưới sông và hiệu quả, vừa tiết kiệm nước, sức lao động vừa có thể mở rộng diện tích, số lượng nuôi. Từ tháng 4/2022 đến nay, được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội LHPN xã và chính quyền địa phương, chị vay 50 triệu đồng đầu tư con giống và tăng các vèo nuôi. Đồng thời, được Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh hỗ trợ vốn sinh kế để mua thức ăn cho ếch và cá. Nhờ đó, việc chăn nuôi của gia đình phát triển hơn trước, cuộc sống dần ổn định.

Theo chị Cẩm Dung, từ khi bắt giống đến lúc bán khoảng 03 tháng, khi đó, ếch thương phẩm đạt từ 04 - 05 con/kg, cá rô nuôi khoảng 12 - 15 con/kg. Nhờ tận dụng thức ăn thừa của ếch và phân ếch để nuôi cá rô nên chi phí thức ăn giảm, lợi nhuận nhiều hơn nếu chỉ nuôi ếch. Trung bình giá ếch từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, cá rô khoảng 30.000 đồng/kg, được thương lái đến tận nhà mua, lợi nhuận bình quân khoảng 15 - 20 triệu đồng mỗi đợt nuôi khoảng 03 tháng. Riêng đợt tết Nguyên đán vừa rồi, giá ếch tăng được 50.000/kg thì lợi nhuận nhiều hơn.

Đầu ra của cá rô và ếch ổn định nên chị Cẩm Dung khá yên tâm khi duy trì và phát triển mô hình. Hiện chị có 10 vèo nuôi và đang nuôi khoảng 6.000 con ếch, 5.000 cá rô, gia đình cố gắng phát triển để vươn lên khấm khá hơn, ổn định thì sẽ tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, để hạn chế chi phí con giống, vợ chồng chị đang chọn ếch để tự ươn giống. Chị cho biết: ếch giống 1.200 đồng/con nên chi phí mua giống khá cao. Vì vậy, nếu tự ương được ếch giống để nuôi, lợi nhuận sẽ nhiều hơn.

Đồng chí Kiên Thị Minh Nguyệt cho biết thêm: nhằm tiếp tục làm điểm tựa vững chắc giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo bền vững, năm 2023 Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội rà soát nắm tình hình hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, có giải pháp phối hợp với các ngành có liên quan hỗ trợ kịp thời hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo làm chủ hộ có địa chỉ thoát nghèo bằng nhiều hình thức, từng bước giúp hội viên phụ nữ nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

Video minh họa: