Sinh kế

    Mô hình làm hủ tíu
    Nghề sản xuất hủ tiếu là nghề truyền thống của miền Tây nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, hủ tiếu được làm bằng gạo tẻ cũ để có nhiều chất tạo sợ, để có hủ tiếu ngon, sợ dai dai thì ta phải qua công đoạn sản xuất như ngâm gạo cho mềm, đem đi xay và lọc ra bột mềm mịn tới công đoạn quan trọng là cách pha bột và thêm nguyên liệu để bột có độ sợi nhiều hơn, bỏ bột vào máy tráng bánh, bắt đầu tráng bánh và đem phơi với nhiệt độ vừa phải, không quá nóng bị giòn cắt bị gãy, không đủ nắng thì bị ướt không cắt được, sau đó cắt thành sợi hủ tiếu. Hộ gia đình bà Sơn Thị Ngọc Thu cư ngụ tại khóm 4 phường 8 Thành phố Trà Vinh là hộ sản xuất kinh doanh hủ tiếu lâu đời trên địa bàn. Theo chị Thu chia sẻ, gia đình chị sản xuất một ngày được khoảng 1.000 kg hủ tiếu, với giá bán là 13.000 đồng/kg, Chị bỏ sỉ cho chợ Trà Vinh, chợ Basi và bán cho các quán hủ tiếu nhỏ lẻ lân cận. Sau khi trừ các chi phí, trong 1 năm gia đình chị còn lời khoảng 60 triệu đồng. Việc sản xuất kinh doanh hủ tiếu tạo thu nhập ổn định cho cả gia đình và cho tạo việc làm và thu nhập cho các thanh niên trên địa bàn.
    Mô hình làm chậu kiểng tại khóm 5, phường 8
    Hiện nay do tình hình biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, năng suất trồng trọt, chăn nuôi giảm, làm cho tình hình kinh tế nhiều hộ khó khăn. Trước tình hình đó, gia đình chị Thạch Thị Sa Tha đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang làm chậu kiểng để cải thiện thu nhập.Hộ gia đình chị Thạch Thị Sa Tha, ngụ khóm 5, phường 8, thành phố Trà Vinh đang sản xuất, kinh doanh chậu kiểng đạt hiệu quả kinh tế cao.Chị cho biết trước đây chưa có kinh nghiệm nên việc làm chậu còn khó khăn, chủ yếu làm các mẫu đơn giản, hiện gia đình chị đã có kinh nghiệm nên có nhiều mẫu mới đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng hơn. Dụng cụ làm chậu bao gồm 01 khuôn đúc xi măng và một số vật dụng khác. Trước tiên, người thợ đổ cát tạo cốt, sau đó đổ vữa xi nhão rồi đổ vào khuôn. Sau khi xi măng khô, sẽ lấy khuôn ra và sơn giả đá để trang trí chậu.Một ngày, gia đình chị đúc được khoảng 10 cái chậu, nhưng phải 2 ngày mới cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Thường mỗi chậu được bán với giá dựa vào đường kính, chậu có giá bán từ 150.000 đồng cho đến vài triệu đồng. Nhờ được giá cao nên gia đình chị có thêm nguồn thu nhập ổn định để chăm lo cho cuộc sống gia đình.Trước kia, chậu xi măng vốn chỉ được cung cấp cho các cơ sở kinh doanh hoa kiểng, các hộ chơi cây cảnh bon sai thì hiện nay, chậu xi măng đã được sử dụng ở hầu hết các không gian nhà ở và văn phòng như một xu hướng nội thất độc đáo mang lại hiệu quả cao về thẩm mỹ và giá trị kinh tế.
    Trà Cú: Nâng cao hoạt động làng nghề góp phần xây dựng huyện nông thôn mới
    Làng nghề đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Đây là nguồn nội lực giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy lộ trình XDNTM. Từ đó, Trà Cú đã, đang nỗ lực củng cố, nâng cao hoạt động từ các làng nghề. Tuy nhiên, huyện Trà Cú còn gặp nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành...Trong 05 năm qua, huyện Trà Cú huy động các nguồn lực triển khai 17 hạng mục công trình giao thông trên địa bàn 03 xã có làng nghề, tổng kinh phí đầu tư trên 20 tỷ đồng, dài 13,583km. Tuy nhiên, chưa đáp ứng và thúc đẩy nâng chất hoạt động và phát triển. Hiện nay, sản phẩm của 03 làng nghề chưa đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu làng nghề; chưa tạo chuỗi giá trị, chưa có hạ tầng tương xứng; trang thiết bị, công nghệ hoạt động chủ yếu thủ công kết hợp phương tiện máy móc thô sơ.Đồng chí Trầm Thanh Hải cho biết thêm: qua khảo sát, tình hình sản xuất, kinh doanh của 03 làng nghề đạt giá trị sản xuất bình quân 36,95 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 6,2 triệu đồng/lao động thường xuyên/tháng (nhưng chỉ hoạt động vài tháng/năm). Trong đó, Làng nghề dệt chiếu Hàm Tân, đạt 5,2 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/lao động thường xuyên/tháng; Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang, đạt 12,25 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/lao động thường xuyên/tháng; Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An, đạt 19,5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 4,2 triệu đồng/lao động thường xuyên/tháng…Đến nay, có 02/03 làng nghề: sản phẩm bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ của Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An, đạt OCOP 3 sao (cơ sở Diệp Thị Trang); bộ sa-lon tre của Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang, đạt OCOP 4 sao (cơ sở Trì Cảnh).Chị Thạch Thị Thương, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang tham gia khâu cạo vỏ tre, mỗi đoạn tre dài 02m, giá nhân công là 1.500 đồng/đoạn; mỗi ngày chị làm được 30 đoạn, tổng thu nhập 45.000 đồng/ngày. Với thu nhập này, chỉ đủ trang trải cuộc sống, không thể tích lũy. Do vậy, chị Thương chỉ tham gia lao động khi nhàn rỗi. Từ thực tế trên, các làng nghề đang cần nguồn vốn; cần được tập huấn, đào tạo, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình; cần đào tạo nghề cho lao động, nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề; mở rộng diện tích nguyên liệu lác, tre, trúc, cải thiện năng suất và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu dệt chiếu tại địa phương; đặc biệt, đầu ra sản phẩm. Xây dựng, củng cố phát triển làng nghề là quá trình dài; Sở Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm ngành nghề nông thôn, đặc biệt là sản phẩm làng nghề đan lát, tạo điều kiện cơ sở ký kết hợp đồng trực tiếp, tránh qua các đầu mối trung gian. Hỗ trợ máy móc, thiết bị và công nghệ tiên tiến vào một số công đoạn sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm.
    Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng dừa dứa tại Phương 9.
    Dừa dứa là loại giống nhỏ, nhiều trái có tên khoa học " Cocos Nucifera" thuộc họ Câu " Arecaceae" có nguồn gốc từ Thái Lan. Hiện nay, dừa được trồng ở một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là được trồng tại khóm 4 Phường 9. Tương tự các loại dừa khác, nước dừa dứa ngọt do có đường Glucose, Fructore và Sucroso. Chứa nhiều chất đạm, Vitamin ( C, B1) và các khoáng chất tốt cho sức khỏe. Theo kinh nghiệm của bà con nhà vườn, có 2 cách để chọn giống dừa. Cách đầu tiên, bà con xem rễ và lá vì trong lá non và rễ có mùi thơm của dứa nên bạn có thể ngắt một ít rễ hay lá ngửi thử. Cách thứ hai, bạn có thể ngắt 1 phần nhỏ của phần lá hoặc rễ hơ qua lửa bạn sẻ ngửi được mùi thơm của dứa, lưu ý không nên hơ quá lâu vì như vậy sẽ bị khét và mất mùi. Khi trưởng thành cây dừa cao 1,5-10m; tán rộng 3-4m. Cây ra trái sau 2-2,5 năm trồng. Bình thường, dừa dứa ra khoảng 15 buồng mỗi năm, tương đương 200 trái. Điểm đặc biệt của dừa dứa phải trồng khu đất riêng, nếu trồng chung loại dừa khác sẽ bị mất mùi dứa và bị thụ phấn chéo làm mất giá trị của dừa dứa. Vào mùa nắng nóng, nước dừa càng đậm đà và mùi hương của dứa cũng thơm hơn, chính vì thế dừa trở thành món đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Với những công dụng như: bù nước cho cơ thể, cân bằng độ PH, điều hoà huyết áp,... Bên cạnh đó, những đối tượng sau không nên uống nước dừa như người mắc bệnh tiểu đường nếu uống nước dừa sau bữa ăn sẽ gặp nguy cơ tăng đường huyết; người bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu phòng nguy cơ sinh non,... Chúng ta nên uống tối đa 1 trái dừa mỗi ngày; khi đi ngoài trời nắng về chỉ nên uống nước dừa từng chút một. Hiện nay, giá dừa loại 1 với giá 15.000đ, mua với giá sỉ 10.000_12.000đ. Nước dừa là nguồn thực phẩm tự nhiên có lợi cho sức khỏe, vì vậy bạn nên bổ sung vào thức uống hằng ngày của mình để tăng cường các khoáng chất cho cơ thể.
    Mô hình làm tượng phật
    Nghề đúc tượng là một nghề được truyền lại và phát triển từ lâu đời của nước ta. Tượng Phật với mục đích để thờ phụng, nên quy trình chế tác đòi hỏi công phu nghiêm cẩn, không phải bất cứ nơi nào cũng làm được. Mỗi nghệ nhân không chỉ cần có sự khéo léo của đôi tay, trí tưởng tượng của khối óc, mà còn phải nắm vững những quy định khe khắt về động tác, dạng thế, kích thước, cách trang phục và các đặc tính cơ bản của mỗi loại tượng. Bởi vậy, từ xưa đã hình thành nên những làng nghề truyền thống chuyên chế tác tượng Phật, phát triển rất thịnh vượng.Hộ gia đình anh Sơn Danh, ngụ Khóm 5, Phường 8, thành phố Trà Vinh làm nghề đúc tượng phật từ lâu đời. Theo anh cho biết để cho ra một sản phẩm, trước tiên người thợ phải chia tỷ lệ để bẻ sắt cho đúng kích thước sản phẩm như mong muốn. Tiếp đến, sẽ lên cốt là đắp phần hồ thô lên từng chi tiết, đến đây sản phẩm được xem như khá hoàn chỉnh. Khâu cuối cùng là chà nhám và sơn màu hoặc sơn giả đồng.Gia đình anh đúc chủ yếu là tượng phật, tượng thánh thần… tùy theo kích thước mà các bức tượng có thể được bán với giá từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng. Để tạc được một bức tượng hoàn chỉnh, thì từ khuôn mặt của bức tượng người thợ phải tạo ra được cái hồn cho sản phẩm. Đây được xem là yếu tố quyết định sự thành công của người thợ. Trung bình một bức tượng được làm khoảng 10 ngày là hoàn chỉnh. Hiện nay, tượng các loại không chỉ có mặt ở các đền chùa, mà các bức tượng cũng được nhiều gia đình lựa chọn để đặt ở nhà.Anh cho biết thêm hàng năm, sau khi trừ số vốn bỏ ra và các chi phí thì bình quân gia đình anh còn lời được khoảng 50 triệu đồng. Tuy nghề đúc tượng phật khá vất vả, nhiều dịp phải làm gấp để kịp đơn hàng giao cho khách anh phải thuê mướn thêm nhiều nhân công hỗ trợ. Nhờ có danh tiếng về làm tượng và lượng khách hàng ổn định nên gia đình anh có thêm nguồn thu nhập cho cuộc sống.
    Mô hình trồng ớt chỉ thiên góp phần nâng cao thu nhập cho bà con tại ấp Vĩnh Yên xã Long Đức
    Thời gian gần đây quá trình chuyển đổi sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây màu cho giá trị kinh tế cao ngày càng được đẩy mạnh ở nhiều nơi. Riêng tại ấp vĩnh yên, xã Long Đức là địa bàn đi đầu trong chuyển đổi cây màu tại địa phương với nhiều mô hình hay cách làm hiệu quả, trong đó không thể không nhắc đến mô hình trồng ớt chỉ thiên của hộ anh Nguyễn Văn Chiến đã quyết định chuyển đổi 5000m2 đất lúa kém hiệu quả sang trồng ớt chỉ thiên. Cây ớt với đặc tính là loại cây ngắn ngày (thu hoạch từ 50 - 60 ngày sau khi gieo trồng) và có giá trị kinh tế cao, thời gian thu hoạch tương đối dài (từ 3 đến 5 ngày là hái 1 lần) đến tận gần 2 tháng. Qua tìm hiểu được anh thẳng thắn chia sẻ do mới chuyển sang trồng màu đặc biệt là cây ớt còn nhiều bỡ ngỡ anh đã gặp không ít khó khăn từ khâu chăm bón, phòng trừ bệnh hại như: thán thư, thối rễ, vàng lá,....đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất dẫn tới vụ đầu tiên anh chỉ hòa vốn. Tuy nhiên với bản tính cần cù, ham học hỏi anh đã đến nhiều nơi tham quan mô hình ớt chỉ thiên đạt năng suất cao cộng với những kinh nghiệm thất bại từ vụ đầu anh đã gặt hái được những "quả ngọt" đầu tiên từ cây ớt chỉ thiên, ở vụ thứ hai sau khi trừ đi chi phí giống, nhân công, vật tư nông nghiệp với giá thu mua của thương lái dao động trung bình 30 ngàn/kg tùy từng thời điểm của thị trường cũng như mùa vụ, trung bình cứ 1000m2 thu được 1 tấn ớt chín sau khi trừ đi tất cả chi phí anh còn lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Với anh Chiến mô hình ớt chỉ thiên tuy tốn chi phí, công sức hơn cây lúa nhưng bù lại người nông dân tăng thu nhập hơn 10 lần so với cây lúa và 4 đến 5 so với cây màu khác, chính loại trái mang đậm vị cay này đã giúp gia đình anh từng bước ổn định cuộc sống đồng thời tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi tại địa phương.
    Hiệu quả với mô hình chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
    Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng ảnh hưởng đến cây trồng. Thực hiện theo phương châm “thuận thiên” để phát triển kinh tế, nhiều hộ dân trên địa bàn phường 9 đã lựa chọn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế; trong đó, chăn nuôi bò, dê được người dân đẩy mạnh vì có nhiều lợi thế để thích ứng.
    Xây dựng mô hình chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu
    Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng ảnh hưởng đến cây trồng. Thực hiện theo phương châm “thuận thiên” để phát triển kinh tế, nhiều hộ dân trên địa bàn phường 9 đã lựa chọn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế; trong đó, chăn nuôi bò, dê được người dân đẩy mạnh vì có nhiều lợi thế để thích ứng.
    Mô hình trồng thơm xen dừa sáp thu nhập gần 20 triệu đồng/năm
    Thơm là một loài cây có cùng họ với khóm, nhưng cây thơm cho trái to gấp 2,5 - 03 lần trái khóm và trọng lượng bình quân của trái thơm từ 02 - 04kg. Hiện nay, người tiêu dùng có nhu cầu rất lớn trong việc sử dụng trái thơm như 01 loại trái cây giải khát và còn được dùng trong nấu canh chua, kho cá, thịt... giá trái thơm tương đối cao hơn khóm, hiện thương lái vào tận vườn thu từ 12.000 - 13.000 đồng/kg.
    Chanh chùm tàu bông tím cây trồng nâng cao thu nhập cho bà con nông dân tại ấp Kinh Lớn, Xã Long Đức, TP Trà Vinh
    Bên cạnh các giống chanh phổ biến hiện nay như chanh không hạt, chanh núm, chanh bông tím…hiện nay đã bị già hóa và xuất hiện các bệnh vàng lá, thối rể. Hiện nay tại ấp Kinh Lớn Xã Long Đức anh Nguyễn Thanh Phong đã thành công trong việc đưa và nhân rộng giống chanh Chùm tàu bông tím về trồng tại địa phương, anh cho biết năng suất và giá trị cao gấp 3-4 lần so với giống chanh truyền thống đang trồng tại địa phương. Anh Nguyễn Thanh Phong chia sẻ: bản thân thường xuyên đi nhiều nơi tại nhiều địa phương để tìm giống cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương, sau chuyến đi nhà người quen tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long thấy được hiệu quả kinh tế mà cây chanh đem lại, đây là cây dễ trồng và thời gian thu hoạch ngắn; trái to, cho năng suất vượt trội so với nhiều giống chanh khác; đặc biệt thích nghi tốt với vùng đất mới. Chanh Chùm tàu bông tím (thế hệ mới) được các nhà vườn đánh giá là cây trồng cho năng suất rất cao và thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước. Sau khi đưa về trồng trên diện tích 5000m2 với khoảng 500 gốc được hơn 01 năm tuổi đã cho năng suất bình quân 45-50 kg/cây. Về kỹ thuật chăm sóc cây anh chia sẻ: Khoảng cách trồng thích hợp từ 3x3m, hố trồng rộng từ 60 – 80 cm độ sâu tùy theo điều kiện của đất, lấy đất mặt liếp hoặc đất mương đã khô băm nhỏ rồi trộn hỗn hợp phân chuồng ủ mục, tro trấu và phân lân, một ít thuốc trừ sâu rệp sáp và tuyến trùng rễ, rồi đắp thành mô cao 5 tấc và rộng 5 tấc vuông. Sau khi trồng chúng ta cấm cây cọc kèm theo để giữ cho cây thẳng đứng không bị đổ ngã giúp cây phát triển tốt, tưới nước đều đặn 2 lần/ ngày đồng thời tủ gốc giữ ẩm đặc biệt vào mùa khô. Khi cây chanh cao tầm 1m phải tiến hành cắt tỉa tạo tán, cắt bỏ những cành rậm rạp sát gốc, cành trong tán, những cành nhỏ, khô, cành vượt để tạo độ thông thoáng cho cây, hạn chế sâu bệnh. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sẽ gặp các loại côn trùng gây hại như: Bọ xít, rầy, rệp, sâu vẽ bùa, nhện trắng; sâu đục thân, đục cành,…. Một số bệnh hại như: bệnh đốm đen, loét, ghẻ, đốm trắng,… Với các giống chanh truyền thống hiện nay có giá khoảng 4.000-5.000 đồng/kg (mùa mưa) và 22.000-25.000 đồng/kg (mùa nghịch), nhưng giá chanh Chùm tàu bông tím luôn đứng ở mức 10.000-30.000 đồng/kg. Ưu điểm của giống chanh Chùm tàu là do cây được lai tạo từ F1 nên có sức sống tốt và ổn định được các đặc điểm của giống chanh bông tím truyền thống (mùi thơm, thịt chanh trắng trong…). Hiện nay nhu cầu thị trường đang tiêu thụ chanh Chùm tàu bông tím đang phát triển; nhà vườn Nguyễn Thanh Phong còn chiết nhánh bán cho các nhà vườn trong và ngoài xã. Anh cho biết: Với năng suất trái đối với cây chanh dưới 02 năm tuổi đạt khoảng 04-4,5 tấn/1.000m2 (100 cây/1.000m2), khi cây từ 02 năm tuổi trở lên cho năng suất ổn định 07-08 tấn trái. Với hiệu quả của cây chanh Chùm tàu mang lại, nên nhiều nhà vườn đã đến đặt mua nhánh, trong năm nay anh đã cung cấp ra ngoài hơn 5.000 nhánh chanh giống. Từ hiệu quả của cây chanh Chùm tàu bông tím, gia đình tiếp tục trồng mở rộng thêm và dự kiến sẽ cung cấp giống cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho bà con tại địa phương nhân rộng mô hình sản xuất chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân.